PDA

View Full Version : Phòng bệnh cho người cao tuổi


reviewdao2209
10-11-2017, 10:26 PM
Người cao tuổi Việt Nam đang phải đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là các bệnh mãn tính (tiểu đường, huyết áp…). Nguyên nhân do tuổi càng cao sức khỏe càng yếu dần và các chức năng của cơ thể bị suy giảm, trong đó có hệ thống miễn dịch. Vậy làm gì để giúp người cao tuổi phòng bệnh?
67% người cao tuổi sống trong tình trạng sức khỏe kém Tại Việt Nam hiện nay, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, làm nông dân và làm nông nghiệp. Trong những năm qua, nhờ làm tốt những chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe, chất lượng sống được nâng lên, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được nâng lên mức cao (73,4 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp (64 tuổi). Điều đó có nghĩa là mỗi người cao tuổi có khoảng 10 năm sống không khỏe. Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, có đến hơn 67% người cao tuổi sống trong tình trạng sức khỏe kém. Đó là điều hoàn toàn có thể lý giải, bởi tuổi càng cao thì sức khỏe càng yếu do cơ chế thoái hóa tự nhiên và nhiều chức năng cơ thể suy giảm, trong đó có chức năng đề kháng. Do đó người già rất dễ mắc bệnh, khi bệnh dần trở thành mạn tính thì kéo dài và hay tái phát. Trong số các bệnh của người cao tuổi thì bệnh về tiểu đường, huyết áp, tiêu hóa, xương khớp, hô hấp…thường rất dễ xảy ra. Bệnh về đường tiêu hóa: Người cao tuổi rất dễ mắc bệnh rối loạn tiêu hóa như: viêm loét miệng, ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, táo bón…Táo bón là một bệnh do nhiều lý do khác nhau nhưng trong đó nguyên nhân chủ yếu là do ít vận động. Bệnh về tim mạch: Trong số các bệnh về tim mạch ở người cao tuổi thì bệnh xơ vữa động mạch, thiểu năng mạch vành, tăng huyết áp chiếm một vị trí đáng kể. Trong một số trường hợp, các loại bệnh này thường thấy ở những người nghiện bia, rượu chiếm tỷ lệ cao hơn. Bệnh về hệ xương khớp: Đau xương, khớp, thoái hóa khớp nhất là đốt sống thắt lưng, khớp gối hoặc bệnh gút làm cho người bệnh đau đớn, lo lắng, buồn chán, nhất là khi thay đổi thời tiết, đặc biệt là mùa lạnh. Thoái hóa khớp gối, gây biến chứng cứng khớp, gây đau khớp gối và vận động khó khăn mỗi buổi sáng lúc bắt đầu ngủ dậy. Triệu chứng đau nhức các khớp xương tương đối phổ biến ở người cao tuổi, đặc biệt là về đêm gây khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe và gây mất ngủ hoặc ngủ không sâu, không ngon giấc. Đái tháo đường cũng là bệnh phổ biến ở người cao tuổi, bệnh thường gây ra nhiều biến chứng mạn tính nguy hiểm làm rối loạn hoặc suy giảm các chức năng của cơ thể, nhất là về các bộ phận như mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu. Đặc biệt, người cao tuổi bị đái tháo đường thường có nguy cơ suy giảm chức năng và tử vong cao hơn các nhóm tuổi khác. Bởi lẽ, các biến chứng về vi mạch (bệnh lý võng mạc, thận, thần kinh) và các biến chứng mạch máu lớn (bệnh mạch vành, đột quỵ…) là 2 nguyên nhân chính gây tử vong. Làm gì để phòng bệnh? Theo PGS.TS. Bùi Khắc Hậu, người cao tuổi nên đi khám bệnh định kỳ để phát hiện ra bệnh sớm và bác sĩ sẽ có những lời khuyên, tư vấn hữu ích cũng như biện pháp điều trị thích hợp. Nên tập thể dục đều đặn như tập hít thở trước và sau khi ngủ dậy, tập vận động tay chân, xoa, bóp các cơ bắp. Có thể tập nhẹ nhàng trong nhà hoặc có điều kiện thuận lợi như gần công viên, câu lạc bộ nên đến những nơi này để vừa tập vừa có cơ hội gặp gỡ bạn bè trao đổi, tâm sự phần để giải tỏa một số bức xúc và có thể học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong việc gìn giữ, bảo vệ sức khỏe. Đối với người cao tuổi uống đủ lượng nước cần thiết rất quan trọng vì vậy nên uống nước đều đặn đầy đủ vào buổi sáng và chiều. Buổi tối trước khi đi ngủ không nên uống nhiều nước để không phải tiểu đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Rau, củ, quả cũng là một hình thức cung cấp một lượng nước đáng kể, cung cấp chất xơ để hạn chế táo bón, đồng thời bổ sung lượng vitamin tự nhiên rất cần thiết cho người cao tuổi. Để phòng ngừa bệnh tim mạch, người cao tuổi nên hạn chế thực phẩm nhiều calo, ít dinh dưỡng (bánh nướng, bơ, đậu phộng...); ngũ cốc có đường; thực phẩm chế biến (khoai tây chiên, thịt muối...); đồ ăn nhẹ, thức uống có gas... Đây đều là các thực phẩm gây ra bệnh béo phì, đe dọa sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, người cao tuổi cũng nên tránh tiếp xúc với các hóa chất, thuốc lá, rượu bia...Hoạt động thể chất vẫn có thể an toàn và lành mạnh cho người cao tuổi - thậm chí nếu có bệnh tim, đái tháo đường, viêm khớp. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, nụ cười làm giảm và cân bằng huyết áp, giúp máu lưu thông hơn, đồng thời, nó cũng chính là liều thuốc giảm đau tự nhiên tốt và hiệu quả nhất. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý thì một cuộc sống đầm ấm, hòa thuận và yêu thương trong gia đìnhchính là liều thuốc tinh thần tốt nhất để chăm sóc người cao tuổi, giúp họ phòng ngừa bệnh tật.